CAO HỌC 15
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP

Go down

NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP Empty NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP

Bài gửi  nguyenbe Thu May 07, 2009 8:30 pm

Các bạn có thể cho mình biết tình hình nuôi cá Tra, Basa trong bè không? Hiện nay tại sao mô hình này không được nhân rộng ở các vùng ven sông.
Bạn hãy cho biết hiệu quả kinh kế của mô hình nuôi này?
Các bạn có thể gửi trực tiếp qua mail của mình: nbem_6pn@agu.edu.vn, hoặc nguyenben@hopthu.com.
Mình xin thành thật cảm ơn các bạn trước! Nếu cần có thể liên hệ qua đường dây nóng: 0917147822

nguyenbe
Khách viếng thăm


Về Đầu Trang Go down

NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP Empty tra loi cau hoi cua ban nguyenbe

Bài gửi  Admin Tue May 26, 2009 5:53 pm

Trước tiên mình xin lỗi bạn về việc trả lời chậm, để trườg hợp này ko xảy ra lần sau hy vọng bạn đặt câu hỏi trong Thảo Luận để tất cả các thành viên có thể cùng tham gia trả lời câu hỏi bạn sớm nhất

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 67
Join date : 30/04/2009

https://caohoc15ct.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP Empty tinh hinh nuoi ca tra be

Bài gửi  Admin Tue May 26, 2009 5:54 pm

Trong vài năm trở lại đây, phong trào nuôi cá tra xuất khẩu ở DBSCL tăng rất nhanh, đem về cho đất nước một nguồn ngoại tệ rất lớn. Thế nhưng, do phát triển quá nhanh không theo quy hoạch nên bệnh trên cá tra nuôi hiện nay xảy ra ngày càng nhiều nhưng việc điều trị lại kém hiệu quả đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của người nuôi cá và cả các nhà chuyên môn.

Qua thực tế sản xuất, cần một số giải pháp nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh hiện nay.

Con giống: Trước đây giống cá tra nuôi là nguồn giống tự nhiên kết hợp với môi trường nuôi còn tốt nên cá có sức sống cao và bệnh trên cá nuôi trong thời gian này rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên, từ năm 1999 thì việc sản xuất giống nhân tạo cá tra phát triển, sản lượng giống nhân tạo ngày một tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu người nuôi, nhưng mặt trái của sự gia tăng sản lượng giống là chất lượng giống ngày càng suy giảm do đa số các trại giống đều chưa có lý lịch cá bố mẹ, tuyển chọn cá bố mẹ từ các ao nuôi cùng đàn có thể gây nên hiện tượng đồng huyết từ đó cá bột nở ra có sức sống kém hơn nhiều so với cá bột khai thác từ tự nhiên.

Chính vì vậy, để con giống cá tra đảm bảo chất lượng (có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý khi xuất bán) cung cấp cho người nuôi, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát chất lượng tại các cơ sở sản xuất cá giống, đảm bảo trại sản xuất giống đạt tiêu chuẩn ngành mới được hành nghề và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, và điều quan trọng là lương tâm trách nhiệm của người làm giống.

Môi trường: Hầu hết các trại nuôi cá đều không dành diện tích làm ao xử lý nước mà nước ao nuôi được thải trực tiếp ra sông rạch và nước cấp vào ao cũng lại lấy trực tiếp từ sông rạch nên việc lây nhiễm bệnh rất cao. Nguyên nhân nguồn nước nuôi cá tra có dấu hiệu ô nhiễm cao có thể là:

+ Hai bờ sông Hậu và sông Tiền có nhiều khu công nghiệp xen lẫn với các trang trại nuôi cá tra. Nước thải các khu công nghiệp chưa qua xử lý mà thải trực tiếp ra sông rạch là mối nguy lớn do nước chứa nhiều hóa chất độc và kim loại nặng. Các ngành có liên quan nên có những biện pháp kỹ thuật xử lý nước thải áp dụng thích hợp cho các nhà máy sản xuất đó và xử lý nghiêm những trường hợp xả nước thải trực tiếp ra môi trường của các nhà máy ở khu công nghiệp vì công việc này trước nay thực hiện chưa được tốt, có như vậy mới góp phần làm cho môi trường được trong sạch nếu không sẽ tạo ra những dòng sông chết rất khó khắc phục.

+ Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ ruộng, vườn chảy ra sông rạch sau những trận mưa cũng là nguồn ô nhiễm nguy hiểm. Hướng tới các ngành chuyên môn có liên quan cần nghiên cứu những quy trình kỹ thuật theo hướng “sạch” và hướng dẫn cho mọi người nông dân áp dụng vào quy trình sản xuất của mình nhằm đảm bảo được môi trường và sản phẩm “sạch” cho con người.

+ Thải trực tiếp nước ao nuôi cá, bùn đáy ao, nước sinh hoạt từ các khu dân cư không được xử lý ra môi trường chung cũng góp phần làm nước sông ô nhiễm hữu cơ tăng cao, làm hàm lượng oxy trong nước giảm, các khí CO2, H2S… tăng lên. Ngoài ra việc xả nước từ các ao cá bệnh, vứt cá chết bừa bãi ra nguồn nước hay tận dụng cá bệnh làm thức ăn cho cá trê, cá lóc đã làm bệnh phát triển thêm trên phạm vi rộng. Các hộ nuôi nên có kế hoạch xây dựng ao lắng và ao xử lý nước thải, từng bước áp dụng các quy trình kỹ thuật mới (SQF, GAP…).

Môi trường nuôi ngày càng biểu hiện xấu kết hợp với việc nuôi cá tra phát triển nhanh mà không theo quy hoạch (lượng chất hữu cơ thải trực tiếp ra môi trường là rất lớn so với nuôi các đối tượng thủy sản khác) nên cá nuôi ngày càng phải chịu đựng với điều kiện môi trường sống khắc nghiệt, dễ bệnh hơn trước rất nhiều lần. Chính vì vậy, hiện nay người nuôi phải thực hiện việc phát triển nuôi thân thiện với môi trường làm sao không làm thay đổi môi trường mà làm môi trường tốt hơn bằng các biện pháp như áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến: nuôi trong vùng quy hoạch, có ao xử lý nước, sử dụng hóa chất, kháng sinh hợp lý.

Mật độ nuôi cao hơn khuyến cáo kỹ thuật rất nhiều (50-80 con/m2) có những bất lợi nghiêm trọng như:

+ Cá nuôi luôn ở trong tình trạng stress liên tục mà đó là nhân tố tác động đến sự bộc phát bệnh và gây chết cá.

+ Việc thiếu oxy gây cho cá luôn trong tình trạng sức khỏe yếu. Khi oxy thấp cá phải trồi lên mặt nước đớp khí liên tục để lấy oxy và sự vận động liên tục làm tiêu hao năng lượng và dễ nhiễm ngoại ký sinh ở mang.

+ Làm tăng lượng mùn bã hữu cơ do thức ăn dư thừa và chất thải của cá từ đó làm nước luôn trong tình trạng giàu dinh dưỡng. Khí NH3, tiêu hao oxy hóa học (COD), tiêu hao oxy sinh học (BOD) cao và oxy luôn thấp nên người nuôi phải thay nước liên tục để loại bớt độc chất, tăng oxy và qua đó góp phần đưa mầm bệnh và nguồn nước xấu từ ngoài vào ao nuôi (nhất là đối với trường hợp lấy nước trực tiếp ngoài môi trường).

+ Làm cạnh tranh không gian sống dẫn đến cá phân đàn cao, cá yếu và cá nhỏ luôn bị cá khỏe chen lấn, cạnh tranh thức ăn, cạnh tranh không gian sống nên phải dạt vào bờ và nhóm cá này ngày càng yếu và dễ bệnh hơn do chất lượng nước gần bờ xấu, nhiều rong tảo và thiếu thức ăn.

Từ những bất lợi của việc nuôi mật độ cao như trên, người nuôi phải nhìn nhận rõ một thực tế là nuôi mật độ cao chưa chắc có hiệu quả cao bằng nuôi mật độ vừa phải như khuyến cáo kỹ thuật và điều quan trọng là nó không mang được tính bền vững trong nghề nuôi cá tra.

Từ các yếu tố được đề cập cho thấy con giống suy thoái kết hợp mật độ nuôi cao và môi trường nước ngày càng ô nhiễm là nguyên nhân làm cho bệnh trên cá tra nuôi xảy ra nhiều hơn trong giai đoạn hiện nay. Nếu tất cả những người nuôi đều đồng lòng biết được những nguyên nhân trên và tìm hướng khắc phục những nguyên nhân đó thì nghề nuôi cá tra sẽ phát triển bền vững.

PHƯƠNG DUNG

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 67
Join date : 30/04/2009

https://caohoc15ct.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP Empty Cá nuôi bè kết thúc sứ mệnh lịch sử?

Bài gửi  Admin Tue May 26, 2009 5:59 pm

Từ basa cho đến cá tra

Không ai biết nghề nuôi cá bè được bắt đầu từ khi nào, người ta chỉ đoán rằng, khoảng vài chục năm trước, vào mùa nước nổi, lượng cá từ Biển Hồ đổ về các tỉnh đầu nguồn nhiều vô số kể. Ngư dân đánh bắt cá ăn không hết mà bán cũng không kịp, vậy là người ta bắt đầu làm những chiếc lồng tre treo trên sông, quay cá lại rồi cho ăn, chỉ có vậy mà đàn cá lớn nhanh. Nuôi được cá trong lồng, bà con ngư dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, rồi đua nhau nới rộng lồng cá, riết rồi thành làng bè hồi nào không hay.

Ông Hai Nắm, một ngư dân gắn bó với nghề nuôi cá bè từ mấy chục năm nay ở huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp cho hay, những năm 90 của thế kỷ trước là thời kỳ vàng son của dân làng bè. Nói đoạn, ông chỉ tay về phía chiếc ôtô hiệu Toyota đời đầu: “Con ôtô này tui đổi bằng nửa bè cá ba sa đó”. Ông bảo thời đó cá ba sa có giá nên người nuôi bỏ ra một vốn lấy bốn năm lời, dân làng bè ai cũng phất lên như diều gặp gió. Ngặt nỗi nguồn giống khan hiếm quá, phải thu gom từng con giống ngoài tự nhiên cực khổ vô cùng, lắm lúc phải sang tận Campuchia mua con giống người ta vớt trên Biển Hồ đem bán.

Sau phong trào nuôi cá basa, dân làng bè chuyển sang nuôi cá tra. Lúc đó làng bè càng mở rộng hơn vì giống cá tra dễ đánh bắt hơn. Một vụ nuôi bốn đến sáu tháng mỗi bè cá có thể nuôi được từ vài chục đến cả trăm tấn cá. Lúc đó có người sở hữu vài chục chiếc bè. Phong trào nuôi cá bè phát triển cực độ khi mà người dân cho cá tra sinh sản nhân tạo thành công. Chủ động được nguồn giống, người ta mở rộng làng bè, rồi ồ ạt phá vườn cây, ruộng lúa đào ao thả cá. Nhưng rồi giá cả khi trồi, khi sụt, người nuôi một năm huề vốn, một năm lời thì hai năm lỗ lã. Quy luật trồi sụt kéo dài, nhiều người nuôi cá đã không bám trụ được với “ngôi biệt thự nổi” của mình.

Cá nuôi bè kết thúc sứ mệnh lịch sử?

Ông Hai Bé, một chủ bè ở Phú Thuận B (Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết, bây giờ giá cá tra có đạt đến 20 ngàn đồng một ký dân làng bè cũng không còn tha thiết gì đến chuyện nuôi nữa. Bởi so với cá nuôi trong ao hầm và cá bãi bồi, thì chi phí nuôi cá bè cao hơn một đến hai ngàn đồng/ký, mà tỷ lệ cá hao hụt, rủi ro lại cao hơn. Trong khi một cái bè 100 tấn cá, chi phí ít nhất cũng 300 triệu đồng, mà chỉ nuôi được trong vòng 10 năm. Trong khi cũng với số tiền đó người ta có thể mua cả héc ta đất đào hầm nuôi một lần dăm ba trăm tấn.

Ông Nguyễn Văn Chên ở xã Phú Bình (huyện Phú Tân, An Giang) dẫn giải: “Kỹ thuật nuôi cá ao hầm rất dễ. Trước khi thả cá, chỉ cần làm vệ sinh hầm bằng cách rắc vôi bột, ao nuôi phải có đường dẫn nước với hệ thống điều khiển chủ động theo ý muốn. Có thể ngăn chặn trong những ngày nguồn nước bên ngoài bị ô nhiễm. Hàng ngày bơm nước vào để làm mới nguồn nước. Thức ăn cho cá cũng rất quan trọng đến việc ổn định nguồn nước. Đảm bảo thức ăn cho cá có tỉ lệ đạm từ 15% trở lên và bổ sung một số acid amin thiết yếu để cân đối dinh dưỡng, đồng thời giúp cá ăn ngon miệng và tiêu hoá thức ăn tốt hơn”.

Còn nuôi cá bè, mỗi lần xử lý nước phải dùng nylon bọc toàn bộ bè cá, rồi mới cho thuốc vào. Cá bè thuộc vào hàng “nắng không ưa, mưa không chịu” nước đầu nguồn có chút thay đổi là cá bỏ ăn, trái gió trở trời là “rộ bè” cá chết hàng loạt mà không có cách nào ngăn chặn. Về phía nhà chế biến cá phi lê xuất khẩu, thì bao giờ cá nuôi đăng quầng và cá ao hầm cũng là chọn lựa số một của doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Quang, Giám đốc Công ty Công nghiệp Thuỷ sản miền Nam (Cần Thơ) phân tích: "Trước đây khi ngư dân chưa có kỹ thuật nuôi được cá thịt trắng trong đăng quầng thì cá bè là số một cả về ưu tiên lẫn giá cả. Còn bây giờ, cá ao hầm đã có được thịt trắng, mà lại dè dặt; trong khi đó, cá bè lại nhiều mỡ, phải mất hơn 3kg nguyên liệu mới chế biến được 1kg phi lê, trong khi đó tỉ lệ này đối với cá đăng quầng bình quân là 2,7kg, vì vậy có sự chênh lệch giá mua là điều tất nhiên".

Và khi cá bè không còn được ưa chuộng, nhiều chủ bè cá đã bỏ không mặc cho bè chìm xuống đáy sông. Có người kêu bán xác bè cho dân lấy gỗ. Nhiều hộ nuôi đã lâm vào cảnh nợ nần phá sản. Nhiều người vì nhớ nghề đã thả nuôi cá tạp để “chờ thời” nhưng thời cơ đâu hông thấy, chỉ thấy nhà nhà nuôi cá điêu hồng, người người nuôi cá he đỏ, bán tại chổ không hết. Một lần nữa người nuôi dẫm lên chân nhau “kéo làng bè cùng chết chìm”. Qua rồi cái thời vàng son, từ hai ba năm nay, làng bè đang chết trong cảnh “không kèn không trống”

Nhiều người nuôi cá cho rằng, nghề nuôi cá bè đã kết thúc sứ mệnh lịch sử sau gần nửa thế kỷ tồn tại. Theo quy luật kinh tế, mô hình nào cho số lượng nhiều hơn, giá thành hạ hơn, và ít rủi ro hơn thì sẽ được chọn lựa. Bởi vậy, nghề nuôi cá bè buộc phải “nhường ngôi” cho nghề nuôi cá ao hầm và nuôi cá đăng quầng ven theo các bãi bồi ven sông Tiền và sông Hậu.

Đua nhau đào ao, đăng quầng nuôi cá

Ông T, nguyên là cán bộ ngành nông nghiệp ở Đồng Tháp, có một héc ta vườn sầu riêng đang cho trái ở ven sông Hậu. Ông cho biết mỗi năm vườn sầu riêng này mang về cho gia đình ông không dưới trăm triệu. Nhưng theo ông, thu nhập như vậy là lượm bạc cắc so với nuôi cá tra. Bởi một ha đất ven sông, nuôi một vụ cá ít gì cũng lãi ròng không dưới 500 triệu. Và ông đã cho phá vườn cây đang cho trái đào ao thả cá.

Dọc theo các cù lao ven sông Tiền, sông Hậu như Cồn Bình Thạnh, Cồn Đông Giang, khu vực bãi bồi xã Bình Thành – Thanh Bình – Đồng Tháp người ta đua nhau mua đất, đào ao, đăng quầng thả cá. Chưa lúc nào cơn sốt đất bãi bồi lại tăng cao như hiện nay.

Trong vai một người đi tìm mua đất bãi bồi, chúng tôi tìm đến vùng cù lao An Hiệp (huyện Châu Thành, Đồng Tháp). Một không khí đào xới diễn ra rất khẩn trương ở đây, những vườn nhãn đang cho trái oằn sai bị đốn học, móc gốc nhường chỗ cho những ao cá mới hình thành. Khi chúng tôi hỏi tìm mua đất. Ông Muôn, một nông dân địa phương cho hay. Bây giờ đất bãi bồi ở đây không còn đâu, người nuôi cá từ Tiền Giang, Vĩnh Long sang lùng mua tối ngày. Cách đây vài tháng, một công đất bãi bồi cao lắm chỉ khoảng 30 triệu, giờ người ta kêu giá gấp đôi nhưng cũng không còn để bán.

Tại Đồng Tháp, cơn sốt đất nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ chưa từng có từ trước đến nay. Người dân trong và ngoài tỉnh đổ xô tìm mua đất bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu đất ruộng lúa dọc theo kênh rạch làm cho giá đất tăng gần gấp đôi so với bình thường. Theo giá thị trường, đất có vị trí đẹp, gần nguồn nước sạch được bán với giá không dưới 40 - 60 triệu đồng một công. Theo báo cáo của thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Tháp, trong 3 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có trên 300 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi trái phép thành ao nuôi cá. Phong trào phá vườn cây, đào ruộng lúa để nuôi cá vẫn diễn ra ồ ạt tại nhiều huyện thị. Điều này làm đau đầu các nhà quản lý vì theo dự đoán nguồn cá nguyên liệu ở Đồng Tháp sẽ vượt cầu khoảng 50.000 tấn vào cuối năm nay.

H.Nguyễn

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 67
Join date : 30/04/2009

https://caohoc15ct.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP Empty Kiểm tra thực tế tình hình nuôi cá bè và sạt lở trên sông Đồng Nai

Bài gửi  Admin Tue May 26, 2009 6:01 pm

Kiểm tra thực tế tình hình nuôi cá bè và sạt lở trên sông Đồng Nai
Ngày cập nhật: 22/04/2009 08:09


Phát triển nuôi cá bè trên sông Đồng Nam đang gây ô nhiễm đối với con sông này
* Chấm dứt tình trạng nuôi cá bè trên sông Đồng Nai trong năm nay

Sáng 21-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Kim Vân, lãnh đạo các sở, ngành và UBND huyện Tân Uyên đã tổ chức kiểm tra thực tế tình hình nuôi cá bè và sạt lở trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua huyện Tân Uyên.



Theo báo cáo của huyện Tân Uyên, hiện nay trên địa bàn huyện có 186 hộ thuộc 7 xã nuôi cá bè với tổng số 986 lồng, giảm 167 lồng so với thời điểm năm 2008. Giống cá nuôi chủ yếu là diêu hồng và cá lăng. Trong những năm gần đây, tình hình nuôi cá bè dọc sông Đồng Nai trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm về cả số hộ lẫn số lồng, tỷ lệ cá chết tăng lên 20 - 25% do nguồn nước bị ô nhiễm cục bộ. Trên địa bàn còn có 355 hộ nằm trong vùng sạt lở, trong đó có 69 hộ nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm cần di dời gấp. Tổng diện tích đất ven sông bị sạt lở khoảng 55.475m2. Hiện đã có 54 hộ dân đã nhận kinh phí hỗ trợ di dời, 48 hộ trong số đó đã thực hiện di dời.

Theo Phó Chủ tịch Trần Thị Kim Vân, quan điểm của UBND tỉnh là sẽ không cho người dân tiếp tục phát triển nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, vì việc nuôi cá bè sẽ tăng mức độ ô nhiễm đối với con sông này. Theo lộ trình, sẽ chấm dứt tình trạng nuôi cá bè trên sông Đồng Nai trong năm nay. Còn với những hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm, cần nhanh chóng hỗ trợ các hộ này di dời đến nơi an toàn; nếu hộ nào không hợp tác, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế. UBND tỉnh sẽ tính toán các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp các hộ dân di dời sớm ổn định cuộc sống tại các địa điểm tái định cư.

C.SƠN - M.HẢI

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 67
Join date : 30/04/2009

https://caohoc15ct.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP Empty Re: NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP

Bài gửi  Admin Tue May 26, 2009 6:07 pm

Trong những năm qua, trên đà phát triển chung của nghề nuôi trồng thủy sản cả nước, con cá tra, ba sa ở ĐBSCL ngày một chiếm vị trí quan trọng góp phần trong phát triển kinh tế của khu vực. Sản lượng thu được, kim ngạch xuất khẩu ngày một tăng đang hứa hẹn một hướng phát triển đầy tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, việc cá nuôi chết, tỷ lệ hao hụt ngày một tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố môi trường là chủ yếu đang đặt ra nhiều vấn đề cần sớm có giải pháp khắc phục…

NHỮNG CẢNH BÁO TỪ VÙNG NUÔI

Với sản lượng hàng năm khoảng 150.000 tấn, tăng khoảng 20%, nghề nuôi cá tra, ba sa tại An Giang đã đóng góp 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Với việc đầu tư thêm 4 nhà máy chế biến trong năm qua cho thấy tầm quan trọng của nghề nuôi cá tra, ba sa tại An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Song, chính những hiệu quả kinh tế mang lại từ con cá tra, ba sa đã tạo một làn sóng mới trong phát triển thủy sản của khu vực “nhà nhà nuôi cá, người người nuôi cá”. Lúc đầu chỉ một vài bè đã tăng lên hàng trăm, rồi hàng ngàn. Đến lúc không thể nuôi bè bà con bắt đầu đăng quầng và đào ao nuôi. Suốt những năm qua, hiệu quả trước mắt do con cá tra, ba sa mang lại thật sự rất lớn. Nhiều gia đình đã đổi đời và nuôi cá tra, ba sa là một giải pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Tuy nhiên hệ lụy từ những bước phát triển ồ ạt, thiếu định hướng bắt đầu lộ rõ.

Hơn nửa tháng qua, những hệ quả xấu từ vùng nuôi bắt đầu lan tỏa. Cá nuôi tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang bắt đầu có tỷ lệ hao hụt lên đến mức báo động. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) nhận định: “Những năm trước, khi chỉ vài hộ nuôi cá thì không hao hụt nhiều, chỉ ước chừng 5-7%. Còn bây giờ tỷ lệ chấp nhận đã dao động từ 20-30%, nguyên nhân chính là người nuôi chạy theo cái lợi trước mắt mà thả nuôi vượt mật độ cho phép. Kéo theo đó tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi ngày một tăng, nên cá ngày một hao hụt nhiều và tỷ lệ hiện đã đến mức báo động”.

Còn ông Trần Anh Dũng, Phó chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết: Mấy năm qua, cứ đến vụ đông xuân là bà con nuôi thủy sản dọc tuyến sông Tiền và sông Hậu lại phải chứng kiến nạn cá chết. Trước mắt, nguyên nhân chính do vào vụ bà con đồng loạt bơm nước từ ruộng ra để xuống giống đã đưa biết bao nhiêu chất ô nhiễm và cả mầm bệnh đều thải xuống sông. Đồng thời, sự thay đổi thời tiết do chuyển mùa cũng là một yếu tố làm cho tỷ lệ cá hao hụt tăng cao”.

Trong khi đó, theo kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, qua khảo sát từ hơn 3.300 bè nuôi trên các tuyến sông tại An Giang, hầu hết các bè đều neo đậu không đúng khoảng cách an toàn. Tại các khu vực như Đa Phước – An Phú; Vĩnh Ngươn, Vĩnh Mỹ – Châu Đốc; Mỹ Hòa Hưng – Long Xuyên; Long Sơn – Phú Tân đều là những nơi có nhiều bè cá neo đậu với mật độ rất cao, vi phạm khoảng cách neo đậu; không thu gom rác thải, đại đa số các bè đều không lắp cầu vệ sinh tự hoại. Số hộ lắp đặt cầu tiêu trên bè chỉ đạt 14%. Ngoài ra, diện tích nuôi cá ao hầm chưa có quy hoạch và tự phát đã lên đến 1.400 ha. Các hộ này không chuẩn bị đất dự phòng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải… Chính những yếu tố đó đã làm môi trường nuôi thủy sản ngày một xấu đi và là nguyên nhân chính đẩy tỷ lệ cá hao hụt khi thả nuôi lên đến mức báo động như hiện nay.

Theo kết quả quan trắc trong năm 2005 của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang về chất lượng nguồn nước ở các đoạn kinh rạch nội đồng thuộc sông Tiền và sông Hậu đều bị ô nhiễm. Và nguyên nhân chính là do việc sử dụng nông dược trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và sản phẩm sau thu hoạch không được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, việc tập trung các khu đô thị và hoạt động nuôi trồng thủy sản ven sông, kinh rạch nội đồng đã góp phần làm gia tăng mức độ ô nhiễm.

Nếu so sánh với kết quả quan trắc chất lượng môi trường mùa khô năm 2004, có thể đánh giá chất lượng nước mặt các tuyến sông chính năm 2005 ô nhiễm hơn đối với các chỉ tiêu hàm lượng ô xy hóa tan và mật số vi sinh tổng coliforms. Nước có chỉ số ô xy hòa tan thấp do ô nhiễm sẽ là một trong những nguyên nhân chính tác động đến quá trình hô hấp của thủy sản, làm tăng hao hụt, giảm hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, chỉ tiêu mật đô vi sinh tổng coliforms cao vượt 100-136 lần tiêu chuẩn môi trường ở sông Hậu và các kinh rạch nội đồng làm ô nhiễm chất lượng nước mặt sinh hoạt khá nghiêm trọng.

Mới đây, kết quả khảo sát vào đầu tháng 1 – 2006 vừa qua của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II, cũng kết luận những bất lợi về môi trường thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cá chết. Bên cạnh đó, việc người nuôi cá với mật độ cao gấp 2-3 lần cho phép đã làm cá dễ phát bệnh và chết. Tuy nhiên đây là một cảnh báo nếu không có những giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường thì hậu quả cho tương lai rất lớn.

HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÀO CHO TƯƠNG LAI?

Trước những nguy cơ từ nạn ô nhiễm môi trường vùng nuôi, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên -Môi trường An Giang đề xuất: “Cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc cảnh báo về môi trường và dịch bệnh thủy sản cho từng vùng nuôi. Thực hiện quan trắc định kỳ chất lượng nước mặt nuôi trồng thủy sản. Các địa phương xây dựng đề án xã hội hóa thu gom rác làng bè và bến bãi có nhiều ghe tàu neo đậu. Xây dựng đề án xây nhà vệ sinh công cộng trên bờ phục vụ cho khu vực có nhiều bè nuôi cá, ghe tàu neo đậu. Ngoài ra, cần nhanh chóng sắp xếp lại các vùng nuôi cá, bè và nuôi cá ao hầm, trong đó phải tính đến yếu tố môi trường, hướng dẫn xử lý nước thải các ao hầm nuôi cá. Tăng cường kiểm tra các hộ chăn nuôi cá bè, ao hầm, đăng quầng, buộc phải thực hiện đăng ký đạt chuẩn môi trường, có hầm hoặc mương sinh học để xứ lý nước thải. Giữ nguyên hiện trạng các quầng nuôi cá không cho phát sinh thêm. Các địa phương phải có quy hoạch chi tiết về phát triển thủy sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường”. Còn ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho rằng: “Các tỉnh cần triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất sự phát triển tự phát ở khâu nuôi, qua đó sẽ dễ dàng kiểm soát khi có sự cố”.

Trước những gì đang diễn ra cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn từ nạn ô nhiễm môi trường đã hiển hiện và đe dọa cả trong tương lai. Nó không chỉ ảnh hưởng đến nghề nuôi cá tại ĐBSCL mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Có thể nói An Giang là một trong những tỉnh đi tiên phong tìm giải pháp khắc phục tình trạng xấu do môi trường mang lại. Tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II lắp đặt các hệ thống theo dõi môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời cảnh báo khả năng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, bằng những mô hình liên kết sản xuất cá sạch AGIFISH, NAVICO... các doanh nghiệp đã tập hợp được người nuôi để tạo sự hài hòa và đồng thuận trong việc phát triển nghề chăn nuôi thủy sản. Với các liên kết này sẽ đảm bảo mật độ nuôi cũng như hạn chế thấp nhất tình trạng sử dụng kháng sinh vô tội vạ như thời gian qua, đảm bảo một hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

BÌNH NGUYÊN

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 67
Join date : 30/04/2009

https://caohoc15ct.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP Empty Re: NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết